Trong một bài phỏng vấn cách đây 4 năm trên kênh Lousiana, câu chuyện về một cậu bé người Anh – là con trai duy nhất của một gia đình lao động tại một thị trấn ngoại ô Manchester. Ba cậu là một thợ sơn máy và mẹ làm ở cửa hàng bánh. Chính ba là người truyền cảm hứng và thúc giục cho giấc mơ trở thành kiến trúc sư của cậu trong tương lai. Gia cảnh nghèo khó, bố mẹ vất vả, ngoài những lúc được hàng xóm trông nom giúp thì cậu thường chơi một mình. Trong lớp, cậu cũng bị bắt nạt, bạn bè cho rằng cậu kỳ lạ. Sự khép kín, cô lập không tiêu diệt con người cậu. Thay vào đó, cậu dành cả tình yêu, sự tò mò, đam mê lớn lao đối với các loại vật thể bay như máy bay, dĩa bay, tàu vũ trụ. Năm 16 tuổi, 1953, cậu đi phục vụ trong không quân Hoàng gia Anh cho thỏa niềm khao khát là được tiếp xúc với máy bay và được bay. 3 năm sau (1956), cậu bắt đầu học kiến trúc. Cậu làm đủ tất các nghề để trang trải cuộc sống và chi phí học hành. 1959, cậu được nhiều người biết đến với giải thưởng Huy chương Bạc của RIBA. 1963, chàng trai trẻ ấy thành lập công ty kiến trúc ở Anh cùng 4 cộng sự khác, đến tận 1999, văn phòng được chính thức đổi tên - Norman Foster.
   Ngày nay, Norman Foster là một kiến trúc sư thành danh với thành tựu đáng ngưỡng mộ với nhiều thế hệ kiến trúc sư. Cũng trong bài phỏng vấn 4 năm trước đó, ông cũng không giấu diếm được sở thích to lớn của mình với vật thể bay và cảm giác bay. Chúng luôn hiện diện, ám ảnh và được bộc lộ qua các tác phẩm kiến trúc của ông. Và ông cũng có cả một máy bay riêng. Các công trình của ông dù là thể loại nào, tỉ lệ lớn nhỏ cũng luôn mang đến một cảm giác bay bổng, nhất là phần cấu trúc, không gian của công trình. Điển hình nhất chắc sẽ là các dự án sân bay, showrooms của Apple, hay là nhà hát và trụ sở chính của Apple ở San Fransico. Bỏ qua vô số dự án khổng lồ và giàu có của ông, thì có một công trình nhỏ, thấp tầng, trong một khuôn viên 500m2 nằm lọt thỏm trong khu dân cư. Nó là nơi cho giấc mơ thuở nhỏ của ông được chấp cánh.
   2016, Maggie's Center - một tổ chức sức khoẻ phi lợi nhuận dành cho bệnh nhân ung thư đã mời Norman Foster thiết kế một trung tâm của họ nằm ở ngoại ô Manchester. Maggie’s Center có một chuỗi các trung tâm giúp đỡ miễn phí những bệnh nhân ung thư khắp nước Anh. Những bênh nhân đến đây tìm thấy niềm vui, động lực trong cuộc sống để chiến đấu với bệnh tật bằng một tinh thần khỏe mạnh. Không những vậy, nơi đây chào mừng những con người thú vị: nhà nghệ thuật, bệnh nhân, thân nhân, tình nguyện viên ở mọi lứa tuổi, kiến trúc sư, nhà thiết kế, sinh viên, cả nhân viên của trung tâm. Có rất nhiều hoạt động: nấu ăn, dinh dưỡng cho bệnh ung thư, yoga, workshops hỗ trợ kiến thức về các bệnh ung thư khác nhau, đọc sách, trồng rau, hoa quả được diễn hàng ngày và theo mùa.
   Maggie’s Center được xây dựng khắp nước Anh và chúng được thiết kế bởi những kiến trúc sư rất nổi tiếng như Zaha Hadid, Frank O Gehry, Richard Rogers, Norman Foster, Steven Holl, OMA, Sohnetta,…. Mặc dù Maggie’s Center là một công trình về sức khỏe nhưng nó khá đặc biệt về đối tượng sử dụng và mục đích. Mọi người đến đây không để trị bệnh ung thư bằng xạ trị, hóa trị, phẫu thuật, mà đến đây trị liệu bằng liệu pháp tâm hồn. Vì thế, thử thách của các kiến trúc sư đó là không phải thiết kế một trung tâm sức khỏe mà là một ngôi nhà chứa đựng ấm áp, gần gũi, vui vẻ, và sự gắn kết.
   Tôi đã đến nhiều trung tâm Maggie khác nhau và trò chuyện với nhiều bạn, cô chú tình nguyện viên, bệnh nhân. Tôi luôn nhìn thấy một sự lạc quan, cởi mở từ họ, nhất là bệnh nhân. Họ không sầu não, không đăm chiêu và không ngồi chờ cho sự ra đi lặng lẽ của mình. Ngoài chương trình giúp đỡ của trung tâm, bản thân công trình Maggie’s Center đã đóng góp một vai trò quan trọng – là chất xúc tác và môi trường cho các hoạt động, ‘liệu pháp điều trị’ được vận hành. Không khí thân thiện; con người cởi mở; thiên nhiên, ánh sáng, gió tràn ngập mọi không gian là sự thu hút dễ cảm nhận khi đặt của các trung tâm Maggie. Điều này đã qui định lên việc tổ chức không gian bên trong và ngoài của công trình: chúng phải linh hoạt, đa dạng về hoạt động và mang nhiều sắc thái cảm xúc khác nhau – tĩnh lặng, chia sẻ, thư thái, nhưng cũng có sự sôi nổi, rôm rả cho từng câu chuyện khác nhau của bệnh nhân; các không gian phải được lắp đầy bởi thiên thiên, ánh nắng, và những cơn gió mát.
Maggie's Center được thiết kế bởi Norman Foster
                         
 
   Norman Foster như đã thấu hiểu tất cả các điều đó và đặt để chúng vào trong thiết kế của mình một cách khéo léo. Một khung kết cấu bằng gỗ như kết cấu của một chiếc máy bay hay một con chim với xoải cánh rộng lớn. ‘Thân máy bay’ bao gọn các không gian chính của công trình: không gian trò chuyện, thư viện, workshops, yoga, tư vấn, làm việc. Các không gian cho bệnh nhân được đặt ở tầng trệt, còn nhân viên được sắp xếp ở tầng lửng. Có một cái bếp mở và tất cả những bánh, trái cây, nước đều được phục vụ miễn phí. Những không gian ngồi đọc sách, tán gẫu được chăm chút với nội thất và màu sắc khác nhau. Còn ‘hai cánh máy bay’ là những hàng hiên lớn liên kết với khung cảnh thiên nhiên thanh bình, vườn rau quả thơm ngon nằm dọc theo công trình. Ngoài ra, còn có một nhà kính trồng cây nhiệt đới với một cái bàn dài bằng đá granite có thể di chuyển trên một hệ ray để có thể tổ chức các buổi seminar về dinh dưỡng trong nhà hay ngoài trời.

Ngay sảnh bước vào, nhìn xa là một bàn bếp lớn, bên trên là hệ khung gỗ từ ván ép

Không gian tư vấn, trò chuyện, đọc sách

Nơi của những câu chuyện rôm rả vào bữa trưa
Tầng lửng - nơi của nhân viên làm việc
Kết cấu vươn dài qua phần thân của tòa nhà, bao trọn nhà kính trồng cây
Phần cánh của 'máy bay' được vươn rộng
Hai cánh tạo ra các hiên rộng, nối vào các khu vườn và không gian xanh hai bên
   Các không gian đều được chiếu sáng và thông gió tự nhiên vào mùa hè qua các cửa sổ trên tường và trên mái. Thiên nhiên như là liệu pháp tinh thần hữu hiệu trong tất cả các trung tâm Maggie. Vì vậy, việc tăng khả năng tiếp xúc với thiên nhiên, nhưng không lặp lại buồn chán là điều vô cùng quan trọng. Để làm điều đó, Norman Foster xử lý các không gian và thay đổi các mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Mặt bằng chữ nhật được đục ra cho sự thâm nhập của thiên nhiên. Có lúc bị thiên nhiên bao vây, có lúc thèm thuồng khi chỉ nhìn nó qua một khe hẹp, khi thì dễ dàng sờ nắm vì thiên nhiên nằm ngay trong phòng, khi thì chỉ nhìn sự đung đưa của lá cây qua một tấm kính lớn, khi thì mở tung ra bên ngoài bằng một cái cửa kính trượt bản lớn, khi thì bạn chỉ còn thấy 1 bãi đá vàng óng, hay tiếng nước róc rách lẻ loi. Sự dày đặc của cây, loại cây, màu sắc của lá, âm thanh của lá/mưa/mặt nước cũng góp phần thúc đẩy cho cảm xúc của người sử dụng. Sự đa dạng của trạng thái được làm ra như để ứng với từng hoàn cảnh và câu chuyện của mỗi con người.
 

Thiên nhiên được tổ chức bên trong công trình, nhưng cũng có view nhìn ra ngoài. Và tôi đã ngồi đây ăn bánh vá uống trà

Một terrace rộng cho sự hòa mình vào thiên nhiên

Hay thiên nhiên được gói gọn trong một nhà kính

Hay chỉ còn là một sự rón rén
   Norman Foster đã phác thảo hệ kết cấu ‘máy bay’ của công trình hoàn toàn bằng gỗ tự nhiên bay như đang bay trên mặt đất và khẻ chạm chỉ bằng ‘mũi chân’. Có tất cả 17 hệ khung gỗ với nhịp 3m, khung gỗ được làm từ gỗ tấm ép (Laminated Veneer Lumber), được dán nhiều lớp để tạo độ cứng cáp. Ngoài ra, chúng được gia cố bằng các hệ giằng zigzag bên trong, phần gốc sẽ rộng hơn và hẹp dần ra phần mũi. Hệ cột và dầm được thiết kế một cách đồng nhất và liên kết một cách nuột nà. Hệ dầm ngoài chịu lực còn đóng vai trò phân chia các không gian ở bên trong công trình. Chúng vươn ra ngoài, tới các khu vườn xung quanh như một xoải cánh lớn. Charled Jencks – một nhà thiết kế cảnh quan và là co-founder của Maggie’s Center đã thấy phác thảo của hệ cấu trúc gỗ này ngay từ ban đầu. Ông nhận xét rằng chúng như hệ kết cấu để uyển chuyển trong gió hay như cánh tay của những nghệ sĩ múa ba lê. Bên trên hệ dầm là khung gỗ đỡ mái với cấu trúc tam giác. Xen lẫn vào đó là những ô cửa tam giác cho chiếu sáng và thông gió.
 

Mô hình của khung chịu lực chính của công trình (nguồn: https://www.fosterandpartners.com/projects/maggie-s-manchester/)

Cột và dầm liên kết với nhau

Khung đỡ mái nhà kính
 
   Xung quanh công trình là một vườn cây trái, rau cũ xanh mát được thiết kế bởi Dan Pearson Studio. Sản phẩm từ khu vườn cũng được sử dụng trong các bữa ăn của trung tâm hay các seminars về dinh dưỡng. Xen lẫn trong khu vườn, một đường dạo nhỏ nối các các không gian ngoài trời và hiên lớn lại với nhau. Vườn rau quả là một thành phần luôn hiện diện trong các Maggie’s Center.
 

Vườn rau xung quanh công trình
   Trong công trình Maggie này, Norman Foster tham gia hầu hết các giai đoạn: thiết kế kiến trúc, kết cấu, chiếu sáng, môi trường, thẩm chí cả nội thất của công trình với sự hợp tác với nhà thiết kế nội thất Mike Holland. Ông thấu hiểu về tâm lý và sự điều trị của bênh nhân ung thư, và vận dụng sự chia sẻ đó và trong công trình. Maggie’s Center là một ví dụ tuyệt vời cho một lối tư duy thiết kế trong kiến trúc mà tôi gọi là “Đẹp không chưa đủ”.
   Tôi tin, mỗi công trình được sinh ra sẽ được gắn với một vị trí, đặc điểm công năng riêng biệt, đối tượng sử dụng riêng biệt. Con người và sinh hoạt trong nó sẽ làm nên cái hồn cho công trình. Một công trình tốt là công trình mang đến cho con người sự thoải mái, cảm xúc, sự vui vẻ, và sự gắn kết. Và nó quan tâm đến các mối quan hệ xã hội bên trong công trình, con người và công trình, công trình với thiên nhiên, con người với thiên nhiên. Do đó, công trình lớn hay nhỏ không quan trọng, quan trọng là chúng ta đã hiểu và đem ra giá trị gì cho công trình của chúng ta tạo ra sau khi hoàn thành cho các mối quan hệ trên như thế nào và cần nhớ rằng con người bên trong công trình là quan trọng nhất. Dựa vào đó, sự sáng tạo của chúng ta về kiến trúc, cảnh quan, không gian, kết cấu, hoàn thiện, vật liệu, môi trường vật lý, công nghệ sẽ được đặt để một cách phù hợp, cùng với giá trị thẩm mỹ. Và cuối cùng, kiến trúc sư là người thiết kế ra chúng, kiến trúc sư sẽ đặt cá tính của mình vào trong đó như nói lên cái tôi, cái suy nghĩ của mình như cách mà Norman Foster đưa tình yêu máy bay của ông trong các công trình. Cho dù là một công trình nhỏ nhưng nó cũng sẽ có thể tiêu tốn nhiều công và tâm sức của người thiết kế.
   Dĩ nhiên rằng, để thiết kế một công trình mang đầy đủ ý nghĩa không hề dễ và chắc chắn nó đòi hỏi sự đầu tư và trải nghiệm. Tuy nhiên, nếu chúng ta chấp nhận đi đến tận cùng để cho ra một thứ kiến trúc mang đủ 3 yếu tố: “CHÂN” – là dùng ngôn ngữ kiến trúc, sự sáng tạo để phản ánh một cách chân thực nội dung của công trình, phục vụ con người bên trong mà không màu mè, giả tạo và gượng ép; “THIỆN” – là tạo ra sự thân thiện, thoải mái, tiện nghi cho con người, làm cho họ yêu và say đắm không gian, ánh sáng, âm thanh, từng ngóc ngách, không khí mà công trình tạo ra; “MỸ” – là giá trị thẩm mỹ của công trình, là cái đẹp của không gian, kết cấu, màu sắc, vật liệu,…; thì có lẽ, kiến trúc sư sẽ vô cùng hạnh phúc khi thấy nó tồn tại trong sự ‘hài lòng’ của người sử dụng. Đó là tình yêu, món quà, niềm tin lớn nhất cho công việc của người thiết kế; và chính người thiết kế cũng tìm thấy sự gắn kết giữa họ với công trình và con người sử dụng trong đó.
   Bài viết được hình thành từ chuyến đi thực tế và có sử dụng các thông tin trong các bài báo online, phỏng vấn video bên dưới:
 
Tác giả: KTS Đặng Thanh Hưng

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: